Tin tức & Sự kiện | 13-03-2023
Việc 193 quốc gia thành viên UNESCO nhất trí thông qua Khuyến nghị Khoa học Mở năm 2021 và trước đó là Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở năm 2019 đã đưa Khoa học Mở và Giáo dục Mở trở thành các xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Với xu thế này thì Tài nguyên Giáo dục Mở trở thành thành phần nền tảng của Giáo dục Mở và là một trong năm thành phần của Kiến thức Khoa học Mở – một trong bốn trụ cột của Khoa học Mở. Có thể nói, việc UNESCO thúc đẩy triển khai từng xu thế cũng là để mở đường cho các xu thế hỗ trợ nhau phát triển trong sự kết nối và tác động qua lại bền chặt: Tài nguyên giáo dục Mở – Giáo dục Mở – Khoa học Mở.
Với một quốc gia như Việt Nam, việc tìm ra một (vài) hình mẫu rất cần thiết và là một trong những cách thức có lẽ là hợp lý hơn cả để có thể giúp học hỏi kinh nghiệm, trước hết từ/thông qua các chính sách và các công cụ chính sách khoa học mở của quốc tế và/hoặc của các quốc gia đi trước một cách nhanh nhất có thể xây dựng bằng việc tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình, ngõ hầu bám đuổi và bắt kịp những phát triển và triển khai áp dụng nhanh chóng cả hai xu thế đó; mặt khác cũng có thể tránh được cảnh “điếc không sợ súng”, xây dựng không giống ai, khiến vừa hao phí các nguồn lực, vừa lạc hậu sẽ lạc hậu thêm.
Hình 1. Các trụ cột và các thành phần của Khoa học Mở 1
Ở đây, chúng ta có thể tham khảo việc xây dựng chính sách và công cụ chính sách khoa học mở ở ba mức độ khác nhau.
Chính sách và công cụ chính sách khoa học Mở mức quốc tế
Ở mức quốc tế, để triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở 2021, UNESCO đã thành lập năm nhóm làm việc về từng lĩnh vực quan trọng của khoa học mở là xây dựng năng lực; chính sách và công cụ chính sách; cấp vốn và ưu đãi; hạ tầng; và giám sát. Trong số này, nhóm làm việc về chính sách và công cụ chính sách khoa học mở có nhiệm vụ phải tạo ra hai sản phẩm chính với dự kiến chúng sẽ được hoàn thành và công bố vào tháng 12/2022, gồm: (1) một kho lưu trữ toàn cầu các công cụ chính sách khoa học mở; và (2) một hướng dẫn phát triển chính sách khoa học mở.
Trong quá trình họp bàn, Nhóm làm việc về chính sách và các công cụ chính sách khoa học mở của UNESCO đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến phản hồi cho các phác thảo hai sản phẩm chính trên. Họ đồng thuận với nhau về nội dung trong hai sản phẩm chính2:
1. Kho lưu trữ toàn cầu các công cụ chính sách khoa học mở. Đây là nơi để các cơ sở, các nhà tài trợ khoa học và các chính phủ có thông tin đầy đủ, dễ nắm bắt được những gì đã làm và có kinh nghiệm dẫn hướng.
2. Hướng dẫn phát triển chính sách khoa học mở. Đây là một khung tham chiếu để các quốc gia và/hoặc tổ chức có thể tùy chỉnh tiếp để xây dựng chính sách khoa học mở cho mình; mặt khác, tài liệu hướng dẫn chi tiết hóa các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc hướng dẫn của khoa học mở, cũng như tập trung vào các trụ cột và các thành phần của khoa học mở trong Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO 2021.
Một điểm đồng thuận quan trọng nữa của nhóm là nếu đứng độc lập, việc xây dựng chính sách khoa học mở nhiều khả năng không đủ bao quát vì khoa học mở vốn rộng, nhiều chiều, nhiều mức độ sẵn sàng và hiện trạng rất khác nhau với các nhóm đối tượng khác nhau và ở các quốc gia khác nhau. Vì vậy, nó có thể bao gồm nhiều chính sách được liên kết chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau. Ví dụ như ở Phần Lan, quốc gia có chính phủ đi tiên phong trong việc xây dựng chính sách và các công cụ chính sách để triển khai việc ứng dụng và phát triển nghiên cứu và khoa học mở, được thể hiện trong “Loạt các chính sách về nghiên cứu có trách nhiệm” với hàng chục tài liệu có liên quan tới nhau.
Chính sách và công cụ chính sách khoa học Mở mức quốc gia
Ở thời điểm hiện tại, có lẽ không có quốc gia nào có được loạt các chính sách về nghiên cứu có trách nhiệm hướng tới khoa học mở như của Phần Lan và đặc biệt, lộ trình được toàn bộ cộng đồng nghiên cứu quốc gia xác định trước để tiếp tục xây dựng thành phần của các chính sách và các công cụ chính sách đó trong những năm tới. Chúng ta có thể tham khảo một vài trong số các tài liệu đó.
Trước hết, Chính phủ Phần Lan có trang web dành riêng cho các chính sách nghiên cứu và khoa học mở3. Đây là một thành phần của trang web khoa học mở của quốc gia này với phần mô tả trang được nêu như sau:
“Các chính sách nghiên cứu và khoa học mở ở Phần Lan nêu chi tiết các nguyên tắc chiến lược, các mục tiêu và kế hoạch hành động cần thiết để đạt được các mục tiêu được đặt ra trong Tuyên bố về Nghiên cứu và Khoa học Mở của quốc gia. Các chính sách đó sẽ được phác thảo cho bốn lĩnh vực: văn hóa uyên thâm mở; truy cập mở tới các xuất bản phẩm học thuật; truy cập mở tới các dữ liệu và phương pháp nghiên cứu; giáo dục mở và truy cập mở tới tài nguyên giáo dục”.
Để thấy, trước khi có bất kỳ chính sách nào về nghiên cứu và khoa học mở, Chính phủ Phần Lan đã đưa ra Tuyên bố về Nghiên cứu và Khoa học Mở (cho giai đoạn 2020-2025)4, như được minh họa như trên Hình 2, ở đó nêu rõ tầm nhìn, sứ mệnh và bốn lĩnh vực trọng tâm.
Trong tài liệu ‘Chính sách về Uyên thâm Mở’5, ở phần 1.3 Khuyến khích uyên thâm mở, Chính phủ Phần Lan khẳng định các căn cứ để xây dựng các chính sách cho nghiên cứu và khoa học mở là dựa vào và tuân thủ với các khuôn khổ quốc tế, gồm: (1) Điều 27 Tuyên ngôn Phổ quát Quyền con người, “mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, để hưởng thụ nghệ thuật và chia sẻ tiến bộ khoa học và những lợi ích của nó”; (2) Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO 2021; (3) Chính sách của Ủy ban châu Âu về Khoa học Mở.
Điều này cho thấy, Chính phủ Phần Lan xây dựng chính sách khoa học mở quốc gia tuân thủ các khuôn khổ và đường hướng chung được quốc tế và khu vực thừa nhận. Bên cạnh đó, họ cũng thành lập một cơ quan phối hợp chung với sự tham gia của tất cả các tác nhân có liên quan gồm Bộ Giáo dục và Văn hóa, các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp có liên quan tới khoa học, giáo dục và văn hóa, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà cấp vốn nghiên cứu, các thư viện và các kho lưu trữ, .v.v. Sự phối hợp tuân thủ theo các nguyên tắc: (1) Sự phối hợp mở và minh bạch; (2) Cấu trúc phối hợp càng đơn giản càng tốt và tận dụng các mạng lưới và các dự án hiện có; và (3) Sự phối hợp tập trung vào các vấn đề chính về uyên thâm mở được cộng đồng nghiên cứu xác định, như ở Hình 2 và Hình 3.
Hình 2. Tuyên bố về nghiên cứu và khoa học mở của Phần Lan 2020-2025.
Nhờ có mô hình phối hợp dựa vào sự cộng tác giữa nhóm chỉ đạo, các nhóm chuyên gia và các nhóm làm việc theo từng chủ đề của từng thành phần trong bốn lĩnh vực trọng tâm được nêu ở trên, các tài liệu là kết quả nghiên cứu theo các chủ đề, thành phần và lĩnh vực đó lần lượt được xuất bản theo một kế hoạch và lộ trình được xác định trước trong “Loạt Nghiên cứu có Trách nhiệm”, có trách nhiệm xuất bản các tuyên bố, các chính sách, các nghiên cứu, các khuyến nghị và các tài liệu khác có liên quan tới tính mở, trách nhiệm và khả năng tiếp cận khoa học và nghiên cứu, được Ủy ban về Thông tin Nhà nước – TJNK (Committee for Public Information) và Liên đoàn các Hiệp hội Học tập Phần Lan – TSV (Federation of Finnish Learned Societies) xuất bản. Tác giả của tài liệu trong “Loạt Nghiên cứu có Trách nhiệm” đều từ Cơ quan Điều phối Khoa học Mở Quốc gia và Liên đoàn các Hiệp hội Học tập Phần Lan.
Bên cạnh các tài liệu chính sách quốc gia bao trùm cả bốn lĩnh vực trọng tâm được xác định trong Tuyên bố về Nghiên cứu và Khoa học Mở của chính phủ cho giai đoạn 2020-2025 hoặc đã được xuất bản hoặc đã được lên kế hoạch để xuất bản, hàng loạt các công cụ chính sách như các tài liệu khuyến nghị, hướng dẫn hay các mô hình và công cụ trợ giúp cho nghiên cứu và khoa học mở cũng lần được được xuất bản, ví dụ các tài liệu8: Thực hành tốt trong đánh giá nhà nghiên cứu – Khuyến nghị để đánh giá có trách nhiệm nhà nghiên cứu ở Phần Lan (2020); Các khuyến nghị về Giáo dục Mở (2021); Sáng khoa học thay đổi thế giới – Các khuyến nghị về giáo dục khoa học (2021); Mô hình giám sát nghiên cứu và khoa học mở – Các nguyên tắc và thực hành chính sách khoa học mở mức cơ sở (2022); Công cụ tự đánh giá văn hóa các dịch vụ uyên thâm mở (2022);
Chính sách và công cụ chính sách khoa học Mở mức tổ chức
Các chính sách và công cụ chính sách khoa học mở cũng đang hiện diện trong tổ chức của nhiều tác nhân có liên quan tới khoa học mở khắp trên thế giới. Một số trường hợp điển hình cũng được các diễn giả khách mời trình bày tại các cuộc họp của các nhóm làm việc về khoa học mở của UNESCO9. Điểm chung của chúng là đều được điều chỉnh cho phù hợp với các mục tiêu, giá trị cốt lõi, các nguyên tắc và nội dung trong Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO 2021, dù không bao trùm lên tất cả các trụ cột và các thành phần của Khoa học Mở (Hình 1), và cũng thường không đủ rộng, tổng thể và/hoặc chi tiết như những gì được nêu trong chính sách về nghiên cứu và khoa học mở của Chính phủ Phần Lan (Hình 2 và 3). Thay vào đó, nó có thể sâu hơn về một (vài) thành phần/lĩnh vực/vấn đề cụ thể của Khoa học Mở ở mức của một tổ chức hoặc nhóm các tổ chức.
Thay cho lời kết
Hình 3. Tổ chức, phối hợp và các vấn đề chính về uyên thâm mở ở Phần Lan 6.
Nếu nhìn vào bối cảnh của Việt Nam hiện nay và so sánh với những gì được nêu trong bài, thì toàn bộ việc xây dựng chính sách và công cụ chính sách khoa học Mở là một công việc đồ sộ với hầu hết, nếu không nói là tất cả, các vấn đề đều rất mới, chưa từng có và liên quan tới nhiều bộ, ngành, cơ quan. Vì thế, để có cách làm bài bản và hiệu quả, trước hết Việt Nam phải có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất của chính phủ và sự tham gia tích cực của toàn bộ cộng đồng khoa học, giáo dục. Việc thực thi nó phải đi kèm với tư duy mở, văn hóa uyên thâm mở và dựa trước hết vào sự cộng tác mở, minh bạch, khả năng cung cấp đầy đủ các nguồn lực cần thiết với một tầm nhìn dài hạn, có thể cho vài chục năm tới.
Là quốc gia đi sau, với hiện trạng hầu như không có bất kỳ điều gì là ‘Mở’ có liên quan tới Khoa học Mở trong thực tế ở thời điểm hiện tại theo các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam, bên cạnh các công việc liên quan khác, cần sớm có kế hoạch, lộ trình xây dựng các chính sách và công cụ chính sách khoa học mở của quốc gia dựa trên các kinh nghiệm và thành quả ở mức quốc tế như của nhóm làm việc về chính sách và công cụ chính sách của UNESCO; mức quốc gia như của Phần Lan; hoặc mức của tổ chức/nhóm các tổ chức được nêu trong bài. Khi đó, Việt Nam mới có thể bám theo với hy vọng một ngày nào đó có thể bắt kịp các quốc gia trên thế giới trong ứng dụng, phát triển và triển khai các hoạt động Khoa học Mở ở Việt Nam, tuyệt đối tránh ‘làm lại cái bánh xe’ và ‘đi tắt đón đầu’.□
—————
Dự kiến các thành phần nội dung chính của tài liệu Hướng dẫn phát triển chính sách khoa học mở:
– 5 phần nội dung chính của tài liệu hướng dẫn: (1) Chính sách khoa học mở là gì; (2) Vì sao chính sách khoa học mở là hữu ích; (3) Các nguyên tắc hướng dẫn để xây dựng chính sách khoa học mở; (4) Các yếu tố chính của chính sách khoa học mở mạnh; và (5) Triển khai chính sách khoa học mở: bước chủ chốt đầu tiên và các cân nhắc.
– 5 chức năng chính của chính sách khoa học mở nhằm để: (1) chỉ ra cam kết; (2) xây dựng tính ổn định, bao gồm cả ổn định về tài chính; (3) cải thiện tính rõ ràng và minh bạch trong cách tiếp cận, kế hoạch tìm kiếm nguồn lực và hài hòa hóa với các nỗ lực có liên quan; (4) thu hút càng rộng càng tốt mọi người tham gia vào khoa học mở; và (5) Loại bỏ các rào cản đối với khoa học mở.
– 12 nguyên tắc hướng dẫn xây dựng chính sách, gồm: (1) Tích hợp; (2) Rõ ràng; (3) Toàn diện; (4) Phù hợp với chính sách hiện có; (5) Cam kết về nguồn lực; (6) Công bằng và hòa nhập; (7) Bền lâu; (8) Loại bỏ các rào cản; (9) Học hỏi và tùy chỉnh; (10) Linh hoạt; (11) Thực thi được; (12) Giám sát và đánh giá.
– 5 yếu tố chính của chính sách khoa học mở mạnh gồm: (1) Cơ sở lý luận và tầm nhìn xa đối với chính sách; (2) Quyền tài phán và hiệu lực của chính sách; (3) Hướng dẫn nhằm đảm bảo 4 trụ cột của Khuyến nghị Khoa học Mở 2021 được xem xét: Truy cập mở tới kiến thức khoa học (kiến thức khoa học mở); Phát triển và sử dụng các hạ tầng khoa học mở; Cải thiện sự tham gia mở với các tác nhân xã hội; Cải thiện đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác; (4) Xem xét các vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, và bổn phận của tất cả những ai triển khai và bị ảnh hưởng bởi chính sách; và (5) Xem xét việc xây dựng năng lực, đánh giá và thẩm định nghiên cứu, và hệ thống giám sát tuân thủ chính sách.
– Có sự phân biệt mức cam kết do các chính sách và các công cụ chính sách khác nhau yêu cầu, đặc biệt khi cân nhắc định nghĩa rộng về các công cụ chính sách có thể trải từ các hướng dẫn đơn giản cho tới các khuyến nghị thường không có tính bắt buộc.
CÁC CHÚ GIẢI
1 UNESCO, 23/11/2021: Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0
2 UNESCO: Implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science – Working Group on Open Science Capacity Building (second meeting): https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000383804.locale=en. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/bao-cao-trien-khai-khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco-nhom-lam-viec-ve-chinh-sach-va-cong-cu-chinh-sach-khoa-hoc-mo-cuoc-hop-lan-2-ban-dich-sang-tieng-viet-824.html
3 Open Science: Policies of open science and research in Finland: https://avointiede.fi/en/policies/policies-open-science-and-research-finland
4 TJNK & TSV, 2020: Declaration for open science and research (Finland) 2020-2025: https://avointiede.fi/sites/default/files/2020-02/declaration2020_0.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/5n8kjv6ckm2kjzu/declaration2020_0_Vi-01032022.pdf?dl=0
5 National Open Science Coordination, Federation of Finnish Learned Societies, 2022: Policy for Open Scholarship: https://edition.fi/tsv/catalog/view/227/170/742-1. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/ngdke95ic6880oy/227-Kirjan%20k%C3%A4sikirjoitus-742-1-10-20220427_Vi-28112022.pdf?dl=0
6 Tùy chỉnh ảnh từ nguồn: Open Science: Coordination: https://avointiede.fi/en/coordination
8 Bản dịch sang tiếng Việt của các tài liệu này có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/tai-lieu-dich/
9 UNESCO, 9 December 2022: Implementation of the UNESCO Recommendation on Open Science: https://www.unesco.org/en/natural-sciences/open-science/implementation#open-science-working-groups. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/trien-khai-khuyen-nghi-khoa-hoc-mo-cua-unesco-cap-nhat-09-12-2022-822.html. Xem các báo cáo tiếng Anh của các cuộc họp nhóm.
Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế
Nguồn: https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/xay-dung-chinh-sach-va-cong-cu-chinh-sach-khoa-hoc-mo/