Tin tức & Sự kiện | 31-05-2023
2023 – Năm khoa học mở tại Mỹ
Ngày 11/01/2023, tại Mỹ, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng – OSTP (Office of Science and Technology Policy) đã khởi xướng Năm Khoa học Mở, “đặc trưng với các hành động khắp chính quyền liên bang suốt năm 2023 để cải thiện chính sách khoa học mở quốc gia, cung cấp quyền truy cập tới các kết quả nghiên cứu được người đóng thuế của quốc gia hỗ trợ, tăng tốc phát hiện và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy lòng tin của công chúng, và thúc đẩy các kết quả đầu ra công bằng hơn”1.
Một trong những hành động quan trọng của Năm Khoa học Mở là việc OSTP và Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia – NSTC (National Science and Technology Council) đưa ra định nghĩa chính thức về khoa học mở để sử dụng khắp Chính phủ Mỹ:
“Khoa học Mở là nguyên tắc và thực hành tạo ra các sản phẩm và quy trình nghiên cứu sẵn sàng cho tất cả mọi người, trong khi tôn trọng sự đa dạng văn hóa, duy trì bảo mật và quyền riêng tư, và thúc đẩy cộng tác, khả năng tái sáng tạo và công bằng”.
Ngay sau khi được phát động, hàng loạt các cơ quan liên bang Mỹ đã hưởng ứng Năm Khoa học Mở2, gồm: (1) Các trung tâm kiểm soát dịch bệnh; (2) Bộ Nông nghiệp; (3) Bộ Thương mại; (4) Bộ Năng lượng; (5) Cơ quan Hàng không Vũ trụ – NASA; (6) Quỹ Nhân văn Quốc gia; (7) Viện Y học Quốc gia; (8) Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia; (8) Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia; (9) Quỹ Khoa học Quốc gia; (10) Khảo sát Địa lý Mỹ; (11) Cơ quan Dịch vụ chung của Mỹ. Ngoài các cơ quan liên bang, còn có 85 trường đại học và các tổ chức khác cũng đã hưởng ứng sự kiện này.
Nổi bật trong các hoạt động đó là sáng kiến Chuyển đổi sang Khoa học Mở – TOPS3 (Transform to Open Science) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ – NASA (National Aeronautics and Space Administration), và chính sáng kiến này là khởi nguồn để OSTP tuyên bố năm 2023 là Năm Khoa học Mở.
NASA có trang web dành riêng cho TOPS để hướng dẫn chuyển đổi sang Khoa học Mở với nhiều nội dung rất thiết thực cho cả cá nhân cũng như tổ chức để chuyển đổi sang Khoa học Mở, nổi bật như: ‘Hướng dẫn lộ trình Khoa học Mở cho bạn’.
Hướng dẫn lộ trình Khoa học Mở cho bạn
TOPS đưa ra những hướng dẫn ngắn gọn cho bất kì nhà nghiên cứu nào muốn bước chân vào con đường khoa học mở, muốn công chúng và cộng đồng học thuật có thể tiếp cận và hưởng lợi nhiều hơn, dễ dàng hơn từ các công trình của mình.4
Hướng dẫn này bao gồm bốn phần, trong đó ba phần đầu là những gì mà tất cả các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều có thể thấy có ích và học hỏi. Ba phần này được trình bày ngắn gọn, có tính thực hành cao bao gồm (1) Các kĩ năng khoa học mở cốt lõi (2) Tham gia khoa học mở (3) Gắn kết khoa học mở vào công việc
Các kĩ năng khoa học mở cốt lõi
Các kĩ năng này chủ yếu nằm ở việc biết cách sử dụng thành thạo các công cụ lưu trữ, xuất bản, sử dụng phổ biến nhất của khoa học mở và biết cách tổ chức các hội thảo mở.
Tạo cho mình một ORCID (https://orcid.org/) là một mã nhận diện số của từng nhà khoa học. Mỗi nhà khoa học có một ORCID khác nhau. Mã này giúp cho họ có thể chia sẻ dữ liệu, trích dẫn dữ liệu, nghiên cứu, mã nguồn, bài trình bày của người khác một cách chính xác.
Hơn 10 cơ quan liên bang Mỹ đã hưởng ứng năm khoa học mở.
Bắt đầu với GitHub (https://github.com/) là website quản lý mã nguồn phần mềm và giúp quản lý các phiên bản của một tài liệu trên trực tuyến. Cộng đồng lập trình viên sử dụng và đóng góp cho GitHub đang ngày càng lớn mạnh. Khi một mã nguồn được đăng tải trên GitHub, nó cho phép mọi người có thể cùng cộng tác trên dự án đó mà không bị “dẫm chân lên nhau” và dễ phát hiện ra các lỗi sai.
Thiết lập tài khoản Zenodo (https://zenodo.org/) là kho lưu trữ đa ngành miễn phí sử dụng và truy cập. Bất kì công trình khoa học dưới dạng nào cũng được chia sẻ miễn phí trên nền tảng này. Zenodo do Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu – CERN (European Organization for Nuclear Research) quản lý và là một sản phẩm của OpenAire (https://www.openaire.eu/) – tổ chức chuyên sáng tạo và duy trì các công cụ cho khoa học mở và học thuật mở.
Biết cách tạo một mã nhận diện đối tượng số – DOI. DOI (Digital Object Identifier), https://www.doi.org/, là một mã độc nhất gồm chữ và số gắn với bài báo khoa học và đường link dẫn đến vị trí của nó trên internet. DOI thường do nhà xuất bản cấp nhưng giờ đây, ai cũng có thể tự tạo ra DOI cho sản phẩm khoa học của mình trên Zenodo.
Biết cách áp dụng một giấy phép đúng. Chỉ khi bạn cấp giấy phép cho sản phẩm của mình, cộng đồng mới biết họ có thể sử dụng và chia sẻ công trình và dữ liệu khoa học của bạn khi nào và như thế nào. Thông thường, các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu và tài nguyên giáo dục mở sử dụng các giấy phép Creative Commons (https://creativecommons.org/about/cclicenses/), trong khi mã nguồn phần mềm sử dụng các giấy phép của Sáng kiến Nguồn Mở – OSI (Open Source Initiative), được liệt kê tại: https://opensource.org/licenses/.
Logo của sáng kiến Chuyển đổi sang Khoa học Mở – TOPS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Biết lập kế hoạch quản lý dữ liệu và phần mềm. Các nhà nghiên cứu cần có kế hoạch xác định dữ liệu và phần mềm của mình sẽ được đặt ở đâu trong quá trình nghiên cứu, làm thế nào để duy trì nó và người khác có thể truy cập một cách an toàn và khi dự án kết thúc, dữ liệu đó sẽ được lưu trữ ở đâu.
Biết cách tìm ra các kho phần mềm cộng đồng. Một kho phần mềm cộng đồng là một nền tảng mà trên đó có một nhóm nhà khoa học (cùng một lĩnh vực) thường xuyên chia sẻ mã nguồn của mình. Các kho này thường diễn ra các hoạt động chia sẻ, đóng góp, cải tiến các phần mềm nghiên cứu rất sôi nổi. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu cần biết rằng kho nào hợp với lĩnh vực, trình độ và công việc hiện tại của mình.
Biết cách tổ chức các cuộc họp mở. Tổ chức các cuộc họp mở ra với công chúng – hoặc ít nhất là mở với toàn bộ các thành viên trong nhóm nghiên cứu – có thể khá thách thức, nhưng chúng cũng cung cấp một cơ hội vô giá để thu thập những ý kiến về các chiến lược, kế hoạch và rào cản. Thực ra, khi lắng nghe những người vốn không có “vai vế” trong các quyết định quan trọng, cũng là khi chúng ta có thêm cơ hội để tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo để giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Cần nhớ rằng, một cuộc họp chỉ thực sự mở khi chúng ta đã cân nhắc thấu đáo đến sự an toàn và thoải mái của tất cả những người tham dự.
Tham gia vào khoa học mở
Sau khi nắm được các kĩ năng cốt lõi của khoa học mở, các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu “đứng trên vai người khổng lồ” bằng cách tham gia và đóng góp cho cộng đồng. Theo đó, các nhà khoa học cần đọc kĩ hơn các nguồn học liệu về khoa học mở, bắt đầu thử làm quen với các mã nguồn mở và đặc biệt là hãy tập tư duy như một “nhà khoa học dữ liệu”. Rất nhiều nhà khoa học không cho rằng đó là điều cần thiết nhưng có lẽ điều đó phải thay đổi khi họ bước vào thế giới của khoa học mở. Người làm khoa học mở sẽ không chỉ mở kết quả cuối cùng mà là toàn bộ quá trình nghiên cứu, từ ý tưởng cho đến dữ liệu và công cụ phân tích các dữ liệu đó. Hơn nữa, họ cần phải tìm cách chia sẻ như thế nào để cộng đồng không chỉ dễ tiếp cận mà còn có thể tái sử dụng và tiếp tục đóng góp cho những thông tin đó.
Khoa học mở trong tổ chức
Sau khi đã có kĩ năng và hoạt động như một cá nhân sôi nổi trong cộng đồng khoa học mở, có thể nhà khoa học đã bắt đầu nghĩ đến việc đưa văn hóa khoa học mở vào cơ quan, tổ chức, đội nhóm của mình.
Những giá trị thúc đẩy việc thực hiện khoa học mở
Trước khi bắt tay vào việc thay đổi văn hóa của tổ chức mình, nhà khoa học cần xác định mối tương quan giữa những giá trị khoa học mở và các chính sách nội bộ hiện tại. Liệu hai giá trị có xung đột nhau không? Liệu những giá trị cũ có thể được củng cố vững chắc hơn nhờ khoa học mở? Có giới hạn nào trong việc kết hợp những giá trị mới vào chính sách cũ?
Sử dụng dữ liệu mở
Đây là một quá trình hai chiều: Một mặt, các thành viên trong một tổ chức nghiên cứu sẽ sử dụng các dữ liệu mở (dĩ nhiên theo cách phù hợp với giấy phép đi kèm) và ghi nhận đóng góp của tác giả các nghiên cứu đó. Mặt khác, họ cũng phải đảm bảo dữ liệu của mình mở bằng nhiều cách: lựa chọn giấy phép cho người sử dụng nhiều quyền nhất và ít giới hạn nhất có thể, bảo vệ tính riêng tư của dữ liệu. Tải dữ liệu lên các kho lưu trữ hợp lí (ví dụ như Zenodo) và ghi nhận công của những người đã thu thập và sản xuất dữ liệu.
Phần mềm mã nguồn mở:
Nếu tổ chức nghiên cứu đồng thuận, các mã nguồn của phần mềm sẽ được tải lên GitHub hoặc các nền tảng chia sẻ mã nguồn tương tự. Giống như chia sẻ dữ liệu mở, giấy phép chia sẻ mã nguồn cũng nên trao quyền tối đa cho những người sử dụng. Mã nguồn phải đi kèm với tài liệu giải thích mục đích và cách sử dụng nó và tài liệu ghi nhận những người đã viết nó và những tài nguyên, mô hình mà mã nguồn đó dựa trên hay sử dụng.
Kết quả mở:
Mọi người cần sử dụng ORCID để định danh tác giả trong bài báo. Nếu được, cố gắng xuất bản trên một tạp chí truy cập mở. Nếu tạp chí đó cho phép, trong khi chờ đợi công trình đó được bình duyệt, chia sẻ công trình đó trên các trang tiền xuất bản. Tiến thêm một bước, công bố cả phiên bản cuối cùng (sau khi đã được bình duyệt và đăng tải) lên Zenodo và các trang chia sẻ công bố tương tự. Đi kèm theo công trình của mình, nhà khoa học có thể công bố cả file thuyết trình, ghi âm, gỡ băng phỏng vấn liên quan đến nội dung nghiên cứu lên Zenodo.
Công cụ khoa học mở:
Các công cụ dành cho khoa học mở rất đa dạng với nhiều mục đích khác nhau. Không phải công cụ nào cũng chỉ do cộng đồng sáng lập và đóng góp, sử dụng (chẳng hạn như ngôn ngữ lập trình Julia) mà còn có những công cụ do các công ty tư nhân tạo ra và ai cũng có thể sử dụng được như GitHub. Ngoài những công cụ đã trình bày ở phía trên, còn có một số phần mềm thú vị khác chẳng hạn như: RDMO – một công cụ phục vụ cho việc lập kế hoạch quản lý dữ liệu; Unpaywall – một công cụ cho phép đọc miễn phí các bài báo khoa học mà đáng lẽ phải trả phí; Matrix on Riot – phần mềm để chat riêng tư và bảo mật để các nhà khoa học có thể trao đổi và hợp tác công việc trên đó; Zotero – một công cụ để quản lý các trích dẫn khi viết một bài báo khoa học. □
—–
Các chú giải
[1] The White House: FACT SHEET: Biden-Harris Administration Announces New Actions to Advance Open and Equitable Research: https://www.whitehouse.gov/ostp/news-updates/2023/01/11/fact-sheet-biden-harris-administration-announces-new-actions-to-advance-open-and-equitable-research/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/to-tin-chinh-quyen-biden-harris-cong-bo-cac-hanh-dong-moi-de-cai-thien-nghien-cuu-mo-va-cong-bang-883.html
[2] Science.gov: Open Science Announcements from Federal Agencies: https://open.science.gov/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/thong-bao-khoa-hoc-mo-tu-cac-co-quan-lien-bang-885.html
[3] NASA: Transform to Open Science (TOPS): https://science.nasa.gov/open-science/transform-to-open-science. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/chuyen-doi-sang-khoa-hoc-mo-tops-cua-nasa-884.html
[4] NASA: NASA’s Transform to Open Science Mission – Guide for Your Open Science Journey: https://nasa.github.io/Transform-to-Open-Science-Book/Open_Science_Cookbook/Your_Open_Science_Journey.html. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/huong-dan-lo-trinh-khoa-hoc-mo-cho-ban-888.html
Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế
Theo Lê Trung Nghĩa. (2023b). Nhà nghiên cứu bắt đầu khoa học mở thế nào ? Tạp Chí Tia Sáng. https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/nha-nghien-cuu-bat-dau-khoa-hoc-mo-the-nao